Giới thiệu về Golden Ratio

Giới thiệu về Golden Ratio

Golden Ratio có nghĩa là tỷ lệ vàng, một trong những tỷ lệ nổi tiếng nhất trong lĩnh vực toán học và thiết kế xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Hiểu được tỷ lệ vàng và vai trò của nó trong nghệ thuật và thiết kế sẽ giúp bạn ứng dụng tốt nhất trong công việc.

1. Tỷ lệ vàng là gì và lịch sử hình thành của nó

1.1. Bạn biết gì về tỷ lệ vàng? 

Golden ratio, hay còn được biết đến như golden proportion, golden number hay divine proportion (tạm dịch: tỷ lệ thần thánh) là tỷ lệ giữa hai số có giá trị xấp xỉ 1,618. Nó thường được viết dưới dạng chữ cái Hy Lạp ø (phi) và gắn liền với dãy Fibonacci. Fibonacci là dãy số tự nhiên trong đó số sau bằng tổng của hai con số trước. Các số Fibonacci là 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21… với tỷ lệ giữa mỗi số và số trước đó dần tiến đến 1,618 hay là ø.

1.2. Lịch sử của tỷ lệ vàng 

Tỷ lệ vàng được đề cập đến lần đầu từ khoảng 300 năm trước công nguyên trong cuốn “Elements” (cơ sở) của Euclid, đây là một tác phẩm cổ điển của Hy Lạp về toán học và hình học. Euclid và các nhà toán học đầu tiên khác như Pythagoras đã nhận ra tỷ lệ này nhưng không gọi nó là tỷ lệ vàng. Mãi đến sau này người ta mới dần nhận ra sự huyền bí của nó. Năm 1509, nhà toán học người Ý Luca Pacioli cho xuất bản cuốn sách “De divina proportione”, bên cạnh đó là những hình minh họa của Leonardo da Vinci, tỷ lệ này được ca ngợi đại diện cho sự đơn giản và trật tự, được truyền cảm hứng từ thần linh. 

Cuốn sách của Luca Pacioli cùng những bức tranh minh họa của Leonardo đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến rộng rãi tỷ lệ vàng trong giới toán học và nghệ thuật. Suốt nhiều thế kỷ sau đó, nhiều người ủng hộ đã khẳng định rằng con số này đẹp mắt một cách tự nhiên, nó là vẻ đẹp kết tinh của toán học và rằng các đoạn thẳng có tỷ lệ vàng, chiều dài các cạnh hình chữ nhật có tỷ lệ vàng và hình tam giác vàng được thể hiện trong suốt lịch sử nghệ thuật.

Nhiều người đam mê tỷ lệ vàng cho rằng tỷ lệ này có tính thẩm mỹ cao bởi nó phổ biến trong tự nhiên, chẳng hạn như tỷ lệ của vỏ ốc anh vũ. Lá cây và hạt thông cũng có xu hướng phát triển gần giống với tỷ lệ vàng. Tỷ lệ thần thánh này cũng giúp việc phân bố vật thể hữu hiệu hơn, chẳng hạn như những lá phát triển theo tỷ lệ vàng sẽ không che phủ nhau mà nằm trong mối quan hệ với nhau tại “góc vàng”. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể cho việc tỷ lệ vàng tốt hơn các tỷ lệ khác, nhưng các nghệ sĩ và nhà thiết kế luôn nỗ lực mang đến sự cân bằng, trật tự và bố cục thú vị trong tác phẩm của mình. 

2. Ứng dụng của tỷ lệ vàng trong cuộc sống

2.1. Tỷ lệ vàng trong nghệ thuật và thiết kế đồ họa

Chúng ta luôn có thể quan sát được sự ứng dụng của tỷ lệ vàng trong cuộc sống. Chẳng hạn như một số nghệ sĩ lẫn nhà thiết kế thường cố tình mang đến một tác phẩm theo tỷ lệ vàng. Kiến trúc sư hiện đại nổi tiếng thế kỷ trước Le Corbusier đã thực hiện rất nhiều hệ thống kiến trúc dựa trên tỷ lệ vàng. Họa sĩ theo trường phái siêu thực nổi tiếng Salvador Dali đã cố tình vẽ bức tranh “The Sacrament of the Last Supper” có tỷ lệ hình chữ nhật vàng. Năm 2001, ban nhạc prog-metal Mỹ Tool phát hành “Lateralus” – một bài hát với ký hiệu chỉ nhịp được liên kết với dãy Fibonacci. Cụ thể những âm tiết được hát trong câu đầu tuân theo sáu số đầu tiên trong mẫu, tăng dần và giảm dần theo trình tự 1-1-2-3-5-8-5-3. 

Ngoài ra, các nhà sử học nghệ thuật đã tìm thấy những ví dụ khác về tỷ lệ vàng trong tác phẩm “Mona Lisa”, đền Parthenon ở Athens cổ đại và Kim tự tháp Giza vĩ đại. Tuy nhiên những bằng chứng về việc họ đã cố tình sử dụng tỷ lệ này như Le Corbusier, Dali hoặc Tool đã làm thì không hề cụ thể. Nếu không tìm được những ghi chú về thiết kế hoặc thông số kỹ thuật, chúng ta sẽ không biết được liệu các kỹ sư thời kỳ ấy có sử dụng ø (phi) một cách có tính toán hay không. 

2.2. Ứng dụng tỷ lệ vàng trong công việc hàng ngày như thế nào

Thiết kế và thẩm mỹ không tuân theo một định luật toán học nghiêm ngặt nào cả, vẫn có thể xuất hiện những thiết kế tuân theo tỷ lệ vàng mà kém thẩm mỹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng tỷ lệ này để định hướng bố cục, giúp bạn tránh tình trạng lộn xộn và tạo nên một thiết kế trật tự, cân bằng. Nhà thiết kế đồ họa Jacob Obermiller cho biết: “Một thiết kế đồ họa có thể khá phức tạp nên vị trí đóng vai trò vô cùng quan trọng.”

Bạn có thể sử dụng tỷ lệ vàng như một kim chỉ nam, nó hoạt động hơi giống với quy tắc một phần ba. Cụ thể nó đóng vai trò như một quy ước hoặc hướng dẫn về bố cục, nhưng không phải một quy định cứng nhắc hay nhanh chóng giúp bạn tạo nên cấu trúc tác phẩm của mình. Khoảng cách ở đây là rất quan trọng, nếu bạn chỉ căn giữa hoặc sắp xếp văn bản thành khối không hợp lý thì sẽ đánh mất độ thân thiện với người dùng. 

Tỷ lệ vàng nói đến không gian trống và mối quan hệ của nó với không gian “cần lưu ý”. Đây là nguyên tắc giúp bạn hiểu được giới hạn sự chú ý của con người nhằm tạo nên một thứ gì đó có tính thẩm mỹ, cân đối và đồng đều. Hy vọng với những hiểu biết trên đây chúng ta sẽ ứng dụng được tỷ lệ vàng một cách hiệu quả về mặt thẩm mỹ trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày.