Cắt Giảm Nguồn Nhân Sự UI Designer: Chuyện buồn và Chiến Lược Hiệu Quả

Cắt Giảm Nguồn Nhân Sự UI Designer: Chuyện buồn và Chiến Lược Hiệu Quả

Hi mọi người, đây là một câu chuyện kinh dị mà tôi đã từng trải qua trong chính cuộc đời của mình và muốn chia sẻ nó lại cho mọi người cách mà tôi đã sinh tồn trong khoảng thời gian khủng hoảng đó.

Tôi được tăng lương lúc 3 giờ chiều, và ngay sau đó lúc 4 giờ tôi bị sa thải. Đúng hai tháng trước, mọi chuyện vui vẻ đang xảy ra, tôi và vợ tôi đã đón chào sự ra đời của cặp bé con song sinh và đó là lần đầu tiên chúng tôi lên chức bố mẹ. Thì bỗng vào một buổi chiều thứ Năm khác, lúc 3 giờ chiều, tôi nói chuyện với người quản lý của mình, và nhận được tin là sẽ được tăng lương một chút. Lúc 4 giờ chiều cùng ngày, cả hai chúng tôi đều trở thành người thất nghiệp. Nói một cách hoa mỹ, điều này vẽ nên một bức tranh hoàn hảo về cách mà các tổ chức tiến hành sa thải hoàn toàn bí mật mặc dù mang tiếng là “minh bạch” - một trong những giá trị chính của công ty. Thực tế thật phũ phàng, máy tính xách tay của tôi đã bị tắt từ xa chỉ vài phút sau khi tôi biết được tin này, và thế là xong. Sau 5 năm, tôi không còn là nhà thiết kế sản phẩm cấp cao (senior product designer) tại công ty nơi mà tôi từng giúp xây dựng bộ phận thiết kế từ thuở ban đầu.


Bạn cứ tưởng tượng nó giống như bản thân hoàn toàn khỏa thân đứng giữa trận bão tuyết - một mình, buồn bã, bàng hoàng, trống rỗng. Nhưng chủ yếu là sự sợ hãi.


Tôi đã cảm thấy lạc lõng giữa thế giới này. Những thứ cảm giác lúc này là một mình, buồn bã, bàng hoàng, trống rỗng. Nhưng chủ yếu là sợ hãi vì chúng tôi mới có hai đứa con nhỏ và công việc của tôi là nguồn thu nhập tài chính duy nhất của chúng tôi. Vợ tôi đã bật khóc tức tưởi khi tôi nói với cô ấy: “Sao họ có thể làm điều này với một người đang nuôi con nhỏ?” Tôi đã im lặng. Sự xấu hổ và tội lỗi bắt đầu xâm chiếm và tàn phá đầu óc của tôi. Tôi biến thành cái vỏ trống rỗng vô hồn.


Vào ngày hôm sau, tôi đến siêu thị địa phương và gặp một người bạn học cũ ở trường đại học. Tôi đã không gặp anh ấy hơn 10 năm và rất ngạc nhiên khi thấy anh ấy sống ở cùng khu vực.

Chúng tôi đã có vài câu hỏi thăm nhau:

Bây giờ anh sống ở quanh đây à?

Ừ, chúng tôi vừa mua một căn hộ cách đây không xa” - Anh ấy trả lời tôi

"Ồ vậy ư? Chúng tôi đã mua một căn nhà ở thị trấn này vào năm ngoái…


Tôi cố gắng nở một nụ cười và tiếp tục cuộc trò chuyện, nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ là, “Làm ơn, đừng hỏi tôi đang làm gì; đừng hỏi tôi về công việc của tôi…” Chúng tôi trò chuyện suốt năm phút, và tôi rất sợ mỗi lần tạm dừng trong cuộc trò chuyện, sợ rằng câu hỏi đó có thể xuất hiện.


Nhưng mà nó đã không diễn ra. Tôi đã an toàn. Thất nghiệp đã đủ xấu hổ rồi, tôi không muốn kể cho ai biết chuyện đó. Nhưng về sau tôi lại cảm thấy xấu hổ. Bạn biết đây, khi tâm trí của bạn bắt đầu chơi khăm với đầu óc bạn khi điều gì đó quá đau buồn xảy ra với chúng ta, khiến cảm xúc bạn rối bời.


Tôi không thể kể cho bạn chi tiết về việc tôi bị sa thải, vì vậy tôi quyết định trở thành tiếng nói của nhiều nhà thiết kế đã phải trải qua sự kiện đau buồn này. Tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát và nhận được 159 câu trả lời, thật đáng kinh ngạc nếu xét đến việc tìm được những nhà thiết kế bị sa thải này khó đến mức nào. Tôi thậm chí còn được nói chuyện với hơn 30 người trong số họ và lắng nghe câu chuyện của họ. Cùng với số liệu thống kê từ nghiên cứu, tôi đã thay đổi tên của những người thiết kế đằng sau những câu chuyện này để bảo vệ quyền riêng tư của họ.


Bạn có thể thấy hầu hết các nhà thiết kế trả lời khảo sát của tôi đều là nhà thiết kế UX/Sản phẩm (76%), 5% trong số họ là cấp manager và 9% là nhà thiết kế đa năng (design generalists) (Hình 1).

nha-thiet-ke-bi-sa-thai-la-ux-va-san-pham-design
Hình 1: 76% nhà thiết kế bị sa thải được xác định là nhà thiết kế UX/Sản phẩm


37% trong số họ là cấp senior, nhưng nếu kết hợp điều đó với những người là cấp quản lý, chúng tôi có tới 52% trong tổng số người tham gia. Chỉ có 23% trong số đó là trình độ trung cấp (intermediate) và 5% là trình độ sơ cấp (Hình 2). Điều này chứng tỏ các nhà thiết kế có kinh nghiệm và cấp cao hầu hết đã bị sa thải. Nhưng tại sao các công ty lại sa thải những nhân viên có giá trị nhất của họ? Những người có kiến thức và kinh nghiệm nhất? Hãy tìm hiểu sâu hơn.

cac-nha-thiet-ke-bi-sa-thai-deu-la-cap-senior
Hình 2: Hầu hết các nhà thiết kế bị sa thải đều có nhiều kinh nghiệm: cấp senior (37%) và quản lý (15%) - tổng hợp lại đại diện cho 52% số người tham gia.


Sự trả thù

Martin, một nhà thiết kế đến từ Hà Lan bị sa thải cùng tháng với tôi, năm tháng sau đó, công ty tuyển dụng lại vị trí của anh ấy. “Công ty đã không liên lạc với tôi nếu tôi muốn lấy lại vị trí đó, vì vậy tôi nghĩ việc loại bỏ tôi là mục tiêu. Điều đáng thất vọng nhất là chứng kiến các đồng nghiệp cũ của tôi hoàn toàn quên mất công ty đã đối xử tệ với tôi như thế nào và vui vẻ chia sẻ lại bài đăng bài tuyển dụng trên LinkedIn.”


Matthias, một nhà thiết kế đến từ Đức đã có bằng chứng cho thấy việc công ty sa thải anh ta là có chủ đích: “Tôi được thông báo rằng vai trò của tôi đã bị loại bỏ nhưng rõ ràng từ pull request tới code của trên trang web của công ty (thông tin công khai), rằng một nhà thiết kế khác đã được đưa vào vị trí của tôi. Tôi có mâu thuẫn với lãnh đạo sở nên tôi tin chắc rằng mình đã bị nhắm tới và bị trả thù. Tôi đã nộp đơn khiếu nại chính thức nhưng kết quả lại không có gì xảy ra cả.” Matthias là người lao động độc lập không thuộc nhân viên của công ty (contractor) nên không có luật nào bảo vệ anh ta. Tương tự như tôi, máy tính xách tay của anh ấy bị tắt vài phút sau khi có tin tức và anh ấy bị vứt bỏ và bị lãng quên một cách nhanh chóng. Thật là phũ phàng khi còn hai tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 5 năm làm việc tại công ty.


Martin và Matthias chỉ là hai trong số rất nhiều nhà thiết kế cho rằng việc loại bỏ họ là có mục đích và là một hình thức trả đũa. Trên thực tế, nghiên cứu của tôi cho thấy (Hình 3) rằng 22% nhà thiết kế bị sa thải nghĩ rằng họ bị loại vì bị trả đũa. 42% trong số họ cho biết họ đã công khai lên tiếng về các vấn đề trong công ty của mình và đó là nguyên nhân khiến họ gặp rắc rối trong công việc.

cac-nha-thiet-ke-bi-sa-thai-deu-cho-rang-ho-bi-tra-thu-boi-cong-ty
Hình 3: Hơn 1/5 số nhà thiết kế tin rằng họ đã bị trả thù và 42% cho biết họ đã lên tiếng về các vấn đề.


Trở thành người có thành tích cao (high performer) không cứu được bạn thoát khỏi pha này

Eva, một nhà thiết kế đến từ Đan Mạch, từng là nhân viên có thành tích cao trong nhiều năm ở công ty nhưng vẫn bị sa thải. Cô thất vọng vì sự thiếu trách nhiệm của CEO: “Cổ phiếu của công ty nơi tôi làm việc đã giảm từ khoảng 130 USD/cổ phiếu xuống dưới 30 USD chỉ trong 5 tháng. Tuy nhiên, chính CEO của công ty này mới là người quyết định cắt giảm 7% nhân viên của mình. Tại sao anh ta không chịu một số trách nhiệm về kết quả tồi tệ của công ty? Tại sao anh ta lại miễn nhiễm trong chuyện này?

cac-nha-thiet-ke-bi-sa-thai-deu-co-hieu-suat-lam-viec-cao
Hình 4: Hơn một nửa số nhà thiết kế bị sa thải đã đạt điểm cao trong kỳ đánh giá hiệu suất gần đây nhất của họ.


Làm việc tốt không bảo vệ bạn thoát khỏi bị sa thải, trừ khi bạn là CEO.

Dựa trên nghiên cứu của tôi, hầu hết các nhà thiết kế bị sa thải đều là những người có hiệu suất làm việc cao - chính xác là 52% trong (Hình 4). Chỉ 2% trong số họ đạt điểm “thấp” trong quá trình đánh giá hiệu suất gần đây nhất của họ. Thống kê đáng lo ngại từ câu hỏi này là có đến 34% số người được hỏi cho biết họ không thực hiện đánh giá hiệu suất. Điều này có nghĩa là thực tế có nhiều nhà thiết kế hiệu suất làm việc cao chiếm tỷ số thậm chí còn hơn 52% như hình trên, chỉ là họ chưa được đánh giá chính thức mà thôi.


Burnout và các vấn đề về lãnh đạo sẽ giúp bạn mau chóng có được tấm vé ưu tiên bị sa thải

Lucie, nhà thiết kế sản phẩm cấp cao đến từ Pháp, kể cho tôi nghe câu chuyện của cô ấy về việc vấn đề burnout đã khiến cô ấy bị sa thải như thế nào: “Tôi đã hoàn toàn bị người quản lý và lãnh đạo bộ phận UX bỏ rơi khi tôi bị kiệt sức sau 4 năm gắn bó với công ty. Tôi không nhận được sự hỗ trợ nào và thậm chí còn bị đặt dưới áp lực phải thực hiện tốt hơn nữa. Và đó là tại một công ty mà Giám đốc điều hành đã công khai dỏng dạc bảo với toàn bộ nhân viên rằng "Là một công ty, chúng ta nên hết sức lưu ý để không bị áp lực phải làm việc trong nhiều giờ". Các nhà quản lý lẽ ra phải để mắt đến những nhân viên có nguy cơ kiệt sức. Thực tế thay vào đó, khi tôi kiệt sức, tôi lại bị họ đổ lỗi và nói rằng tôi cần phải cải thiện. Tôi đã phải nghỉ ốm cả tháng để hồi phục sức khoẻ (mặc dù thực tế tôi cần nhiều thời gian hơn để bình phục lại) và vì điều đó mà tôi bị đánh giá hiệu suất thấp vào cuối năm một cách bất công. Ngay lúc đó tôi biết rằng nếu việc sa thải xảy ra, tôi sẽ có tên trong danh sách.”


Lucie không phải là một ngoại lệ. Có rất nhiều nhà thiết kế mà tôi đã nói chuyện đã đề cập đến những vấn đề tương tự. Thường xuyên bị áp lực, kiệt sức, mâu thuẫn với quản lý và lãnh đạo. Trên thực tế, 19% số người được hỏi cho biết họ có mâu thuẫn với người quản lý trực tiếp, 41% cho biết họ nghi ngờ năng lực của người quản lý (một số người công khai) và 24% trong số họ cho biết họ có mâu thuẫn với lãnh đạo công ty (Hình 5). Những số liệu thống kê này vẽ ra một thực tế đáng buồn về cách các nhà thiết kế được đối xử trong các công ty công nghệ hiện nay.

cac-nha-thiet-ke-bi-sa-thai-deu-co-mau-thuan-voi-cap-lanh-dao-cong-ty
Hình 5: Gần 1/5 số nhà thiết kế cho biết họ có mâu thuẫn với người quản lý và 1/4 có vấn đề với lãnh đạo công ty. 41% trong số họ nghi ngờ năng lực của người quản lý.


Lời nói dối về “sự tuyển dụng quá mức”

Hầu hết các công ty quyết định sa thải nhân viên đều tuyên bố rằng họ đã tuyển dụng quá mức so với nhu cầu thực tế của công ty trong năm trước. Đó cũng là lý do được nêu trong trường hợp của tôi nên tôi muốn hỏi các nhà thiết kế xem họ có tin điều đó không. 72% trong số họ trả lời “không”.

cac-nha-thiet-ke-bi-sa-thai-deu-khong-tin-ly-do-cong-ty-cua-ho-tuyen-dung-qua-muc
Hình 6: Hầu hết các nhà thiết kế bị sa thải đều không tin rằng công ty đã “tuyển dụng quá mức”.


Rất nhiều nhà thiết kế bị sa thải đã làm việc cho công ty của họ được hai năm hoặc lâu hơn nữa. Ban đầu, điều này nghe có vẻ kỳ lạ vì các công ty tuyên bố rằng họ đã tuyển dụng quá nhiều nhân viên vào năm trước. Không phải việc họ cần làm là nên sa thải những người được đưa vào công ty trong thời gian gần đây nhất sao? Tôi nghĩ có hai mặt cho câu trả lời ở đây. Những người đã làm việc ở công ty lâu hơn có thể được trả nhiều tiền hơn nên việc để họ ra đi là điều hợp lý khi một công ty đang cố gắng tiết kiệm tiền.

cac-nha-thiet-ke-bi-sa-thai-deu-la-nhan-vien-lau-nam-cua-cong-ty
Hình 7: Hầu hết các nhà thiết kế bị sa thải (32%) đã làm việc tại công ty được 1 năm. 54% trong số họ đã ở đó từ 2 năm trở lên.

Đó có lẽ là lý do tại sao có rất nhiều người có kinh nghiệm nghề cao và cấp senior lọt vào danh sách bị sa thải của công ty. Một số công ty đã cố gắng cải thiện tinh thần của những người còn lại ở công ty bằng cách thăng chức cho nhiều nhà thiết kế ở cấp trung trong những ngày sau khi hoạt động sa thải xảy ra. Nhưng các công ty này đã bỏ lỡ một điều:


Một nhà thiết kế cấp senior mới được thăng chức không bằng một nhà thiết kế cấp senior đã làm trong nhiều năm. Việc thay đổi chức danh không làm cho họ có nhiều kinh nghiệm hơn chỉ sau một đêm.


Và tại sao lại có một đợt tăng đột biến khác sau 5 năm? Tôi có một giả thuyết dựa trên tổng hợp cá nhân. Trong những tuần trước khi tôi bị sa thải, ban lãnh đạo công ty đã chia sẻ kết quả khảo sát mức độ gắn kết với chúng tôi. Một trong những phát hiện quan trọng là những người đã làm việc ở công ty lâu hơn (5 năm hoặc lâu hơn) thì lại thường ít “gắn bó” với công ty hơn. Nói một cách thẳng thắn, họ không hạnh phúc hơn trong quá trình làm việc bao năm. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu mô hình tương tự này xuất hiện ở nơi khác và kết hợp với việc tiết kiệm chi phí, là lý do khiến nhiều senior bị sa thải.


Tôi tự tin khi nói rằng hầu hết những lần sa thải này đều có thể là do hành vi bắt chước. Sau khi việc sa thải ở công ty nơi tôi làm việc được thông báo công khai, ai đó đã viết như sau trên nền tảng mạng xã hội:

Có thể hiểu khá đơn giản: Nếu bạn không đi theo bầy đàn, bạn có nguy cơ bị đổ lỗi nếu thất bại. Nhưng nếu bạn đi theo đàn và làm những gì mọi người đang làm, ngay cả khi đàn đang đi vào ngõ cụt đi chăng nữa thì không một ai đứng lên chỉ ra chỗ sai lầm.


Chuẩn xác. Bây giờ, hãy bỏ lại tất cả những phân tích, kết luận trên vì nó đã quá đủ cho chúng ta và chuyển sang xem những gì bạn có thể làm để chuẩn bị cho đợt sa thải có thể xảy ra.


Bạn có thể và nên làm gì để chuẩn bị cho việc sa thải xảy ra?

Sự thật là: bạn sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào. Đó chỉ là vấn đề thời điểm nào thôi chứ không phải nếu. Có thể không phải từ công việc hiện tại của bạn, nhưng một ngày nào đó trong tương lai, bạn sẽ là người nhận được một email không mong muốn hoặc có thể là hoàn cảnh bị bắt gặp trong cuộc họp với người quản lý của người quản lý bạn và cố vấn pháp lý của bạn. Bạn đang làm gì để chuẩn bị cho điều đó xảy ra? Dưới đây là một vài điều mà bạn có thể lưu ý.


Nghề tay trái

Thật may là tôi đang chạy song song hai dự án - Better Web Type và UX Buddy. Chúng chiếm khoảng 30% thu nhập của tôi vào thời điểm bị sa thải và đó là công việc tôi đã làm đến bây giờ kể từ đó. Với hai đứa con nhỏ và lần đầu làm cha mẹ, tôi quyết định muốn dành nhiều thời gian cho chúng nhất có thể và không tìm việc làm mới, mặc dù cũng được mời làm nhiều vị trí béo bở.

Làm việc trong các dự án của mình cho phép tôi làm việc ít hơn so với trước đây rất nhiều và một ngày nào đó, chính những dự án này sẽ mang lại nguồn thu nhập tài chính đáng kể cho gia đình tôi. Nếu bạn không có một dự án phụ để kiếm tiền và một dự án nào đó mà bạn có thể mở rộng quy mô trong trường hợp bị sa thải, thì bạn đang gặp rủi ro rất nhiều.



Theo dõi công việc của bạn thường xuyên

Tôi điều hành dự án UX Buddy, nó là một khóa học và chương trình cố vấn để giúp các nhà thiết kế có được công việc tốt hơn. 1 trong 3 vấn đề hàng đầu mà các nhà thiết kế thường gặp phải là không theo dõi được công việc của mình nên khi phải tạo portfolio, họ không biết bắt đầu từ đâu. Nếu bị sa thải, bạn sẽ chỉ có quyền truy cập vào máy tính xách tay của mình trong vài phút nữa. Bạn sẽ mất tất cả các "tác phẩm" mà bạn từng làm cho công ty của mình. Đừng mạo hiểm như vậy.


Bắt đầu setup một tài liệu cho riêng mình để theo dõi các dự án bạn đã thực hiện và thêm các chi tiết sau cho từng dự án:

  • Mô tả ngắn gọn về vấn đề của dự án mà bạn làm và cách bạn phát hiện ra nó
  • Và bạn đã làm gì trogn dự án đó?
  • Những thách thức và cách bạn vượt qua chúng. Mất bao lâu để hoàn thành?
  • Kết quả là gì? Còn các bước tiếp theo thì sao?
  • Liên kết đến các design artefact bạn đã tạo (wireframes, screenshots of whiteboards in Mural hoặc Miro, sketches, designs in Figma)


Tôi có template để quản lý phần này mà tôi chỉ chia sẻ với các sinh viên trong khóa học của mình nhưng tôi sẽ chia sẻ nó miễn phí với bạn tại đây. Link template. Sau đó, tạo lời nhắc định kỳ trên lịch của bạn để nhắc nhở bản thân cập nhật tài liệu hàng tháng.


Tạo bản sao cục bộ (local copy) của thiết kế

Điều này có lẽ là hiển nhiên nhưng nó thường bị các bạn bỏ quên cho đến khi quá muộn rồi mới nhớ ra để làm. Hãy thường xuyên sao chép tất cả các tệp thiết kế của bạn, đặc biệt là các tệp trong Figma. Nếu bạn bị sa thải, bạn sẽ không bao giờ có thể truy cập lại chúng. Tạo lời nhắc trên lịch của bạn để nhắc nhở bạn hàng tháng và tuân theo nó.


Bắt đầu mở rộng network ngay bây giờ

Đừng để khi đã quá muộn. Khuyến nghị này đến từ Patrick Morgan, người đã bị sa thải ba lần trong sự nghiệp của mình cho đến nay, có thể nói kinh nghiệm bị sa thải của anh chàng này là tấm gương cho bạn. Đây cũng là điều mà tôi luôn bị thu hút. Tôi đã từng không hiểu làm thế nào để mở rộng netwỏk của mình hoặc tại sao phải làm vậy. Mọi chuyện trở nên rõ ràng khi đợt sa thải xảy ra với tôi. Nếu bạn bắt đầu kết nối mạng ngay bây giờ, bạn sẽ có nhiều khả năng phục hồi nhanh chóng hơn. Nó cũng không cần cầu kỳ, chỉ cần kết nối với mọi người trên LinkedIn. Khi nói “kết nối”, ý tôi là tương tác với các bài đăng của họ, nhận xét về chúng và gửi tin nhắn trực tiếp cho họ. Đừng chỉ bấm nút "connect" rồi thôi nhé.


Hãy biến lúc bạn bị sa thải trở thành một cơ hội tuyệt vời

Nhớ lại buổi chiều thứ năm đau buồn đó, vợ chồng tôi thỉnh thoảng vẫn bàn luận về việc sa thải. Gần đây cô ấy đã nói với tôi: “Anh biết tại sao họ chọn anh đúng không? Có lẽ họ đã có 99 lý do nhưng lý do chính là chúng ta đang mong có con. Họ biết rằng anh cần tất cả số tiền mặt có thể nhận được nên anh sẽ rất vui lòng ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, nhận khoảng tiền bị thôi việc và giữ im lặng. Em sẽ không ngạc nhiên nếu hầu hết những người bị sa thải gần đây đều có con hoặc sắp có con. Họ là những người dễ bị tổn thương nhất.”


Các công ty công nghệ rất giỏi chiêu trò, bao gồm cả thời gian nghỉ phép có lương cho cha mẹ khi họ cố gắng lôi kéo bạn đến làm việc cho họ. Nhưng họ cũng nhanh chóng quên rằng bạn là một con người bình thường và phía sau cũng có một gia đình cần bạn và nhà bạn ở cũng cần được trả tiền khi họ quyết định rằng bạn “không mong muốn”. Patrick Morgan nói điều đó tốt nhất:

Các công ty công nghệ nói rất hay về sự tận tâm của họ đối với con người nhưng suy cho cùng, họ chỉ là những doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận tồn tại để mang lại giá trị cho các cổ đông của mình. Nếu việc cắt giảm nhân sự sẽ giúp một công ty đạt được mục tiêu đó thì họ sẽ không ngần ngại làm điều đó. - (Nguồn: Patrick Morgan)


Những ngày sau khi tôi bị sa thải vẫn còn mờ mịt. Tôi nhớ là tôi đã dắt chú chó nhà mình đi dạo buổi sáng, việc mà tôi đã làm trong nhiều tháng vì vợ tôi cảm thấy ngán ngẫm và không thể tiếp tục làm nữa. Nhưng bây giờ thì đã khác. Tôi luôn cảm thấy vội vàng trong những chuyến đi dạo buổi sáng này, kéo dây dắt chú chó đi mọi hướng với tâm thế vội vàng và lo lắng. Tôi chỉ muốn hoàn thành việc này thật nhanh vì tôi đang vội để bắt đầu công việc của mình.


Đột nhiên tôi đã có thể dừng lại. Ngồi xuống và tận hưởng khung cảnh, ánh nắng mùa đông và không khí trong lành. Thật tuyệt vời khi được ngắm những tia nắng ban mai yếu ớt dần làm tan đi màn sương ở thung lũng bên dưới. Tôi nghe thấy tiếng chim hót trong khu rừng gần đó. Có vẻ như đây là lần đầu tiên tôi đã nghe thấy. Cuối cùng, tôi không còn vội vàng nữa. Tôi có thể xử lý được sự tức giận, xấu hổ và cảm giác tội lỗi đã ám ảnh tôi kể từ khi bị sa thải. Tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng mình đã được trao cho một cơ hội tuyệt vời, có lẽ là cơ hội của mang tính ảnh hưởng lớn đến đời tôi - mọi thứ cuối cùng và hoàn toàn nằm trong sự lựa chọn của tôi. Tôi cảm thấy được giải phóng. Câu nói này của Felicia Wu, đã giúp tôi vượt qua và nhìn mọi thứ rõ ràng hơn:

Sự nghiệp của bạn lớn hơn một công việc mà bạn chỉ có thể làm ở một công ty nào đó. (Your career is bigger than a single company) - (Nguồn: Felicia Wu)


Đối với trường hợp của Martin và Matthias, hàng nghìn nhà thiết kế đã bị sa thải vì bị trả thù nhưng bất lực trong việc chống lại nó. Đối với mỗi Lucie, hàng nghìn người khác đã bị bỏ rơi vì kiệt sức. Và đối với mỗi Eva, hàng nghìn người có hiệu suất công việc cao cảm thấy an toàn ở vị trí của mình nhưng thực tế thì không.

Câu chuyện sa thải của bạn là gì? Hoặc nếu bạn vẫn chưa bị sa thải, bạn có đang làm gì để chuẩn bị cho việc đó không? Hãy cho tôi biết ở phần bình luận.

Bài viết được dịch từ Designer layoff stories của tác giả Matej Latin